8/9/10

GIÁO SƯ NGÔ BẢO CHÂU ĐẠT GIẢI THƯỞNG FIELDS

Lúc 12h55 ngày 18 tháng 08 năm 2010 (giờ Hà Nội), tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ đã trao huy chương Fields - giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực toán học cho GS Ngô Bảo Châu.

Đây là niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, khi trí tuệ Việt vươn lên đỉnh cao của khoa học nhân loại và được khẳng định trên trường quốc tế.

Bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu.
Khi Đại hội Toán học thế  giới vừa xướng tên GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, những người có mặt như vỡ òa ra trong niềm vui khôn tả, tự hào vì người Việt Nam đã chinh phục được đỉnh cao của nền khoa học nhân loại.

GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên trái) cùng các nhà Toán học quốc tế tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ ngày 19/8/2010.
GS Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam khẳng định: “Giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu đạt được không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn trong khu vực và thế giới. Việt Nam là một đất nước nghèo, không có truyền thống về khoa học, về Toán lại được giải thưởng Fields. Nó đã chứng minh, nếu có cách làm đúng thì những người từ vùng lạc hậu như đất nước chúng ta cũng có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học. Đó là ý nghĩa sâu sắc đối với quốc tế”.

 
Vừa nhận được tin GS Ngô Bảo Châu được Đại hội Toán học thế giới trao giải thưởng Fields, thầy giáo Dương Hoàng Giang, giáo viên chủ nhiệm của GS Ngô Bảo Châu (từ 1987 đến 1989) khối chuyên - Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bật khóc trong niềm vui, niềm hạnh phúc không chỉ riêng của mình mà của cả nền toán học Việt Nam.
Thầy Giang tâm sự: “Chúng tôi từng giờ, từng ngày chờ đợi đến giờ phút này. Bây giờ tôi vui quá. Tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên nên hay chú ý đến từng em học sinh, xem em nào thông minh, sáng tạo, tư cách đạo đức của em đó ra sao và sau này có thể trở thành nhân tài đất nước. Với em Châu, không chỉ tôi mà các thầy dạy bộ môn khác đều nhận xét rằng: Châu là con người thông minh, sáng tạo, học giỏi đều các môn. Vì thông thường các em giỏi toán thì lơ là các môn học khác nhưng đối với Châu học đều các môn. Châu đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng đặc biệt, đó là cậu học trò có tư cách đạo đức tốt, chăm chỉ, lễ phép. Với con người như vậy, từ thời đó tôi đã có suy nghĩ, tiên lượng nếu Châu được đào tạo một cách bài bản, sau này sẽ trở thành một nhân tài - điều đó nay đã trở thành sự thật”.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương, chủ nhiệm khối chuyên - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Thành công của Ngô Bảo Châu ngày hôm nay, không chỉ là hạnh phúc của riêng Châu mà là niềm hạnh phúc của các thầy giáo đã từng dạy Châu. Hạnh phúc này khó mô tả bằng lời. Bởi giải thưởng của Ngô Bảo Châu là giải thưởng lớn, quá sức tưởng tượng - giải thưởng Fields nhiều nước trên thế giới rất mong đợi”.
Giải thưởng GS Ngô Bảo Châu đạt được tạo cho lớp trẻ niềm tin rằng, người Việt Nam có thể đạt được đến đỉnh cao của khoa học nếu biết phấn đấu và lao động hết mình", Tiến sĩ Lương khẳng định.

GS. Ngô Bảo Châu trở thành người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng danh giá Fields. (Ảnh: Bùi Tuấn)
Đằng sau sự thành công trong khoa học của GS Ngô Bảo Châu là sự đóng góp lớn lao, âm thầm của mẹ anh PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền. Bà đã từng tâm sự với báo chí rằng: "Bổ đề cơ bản" là người bạn thân thiết của Châu suốt 15 năm qua, nhưng khi Châu chứng minh được bổ đề này thì nó lại là của mọi người, không còn là của riêng Châu nữa. Cô cũng vậy, mừng cho con nhưng thấy lòng một chút hụt hẫng, trống trải, Châu được nhiều người biết đến thì cảm giác không thuộc về riêng mình nữa".
GS Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972 tại Hà Nội. Anh là con trai GS-TSKH ngành Cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Cơ học Việt nam. Mẹ anh là PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền TW.
Ngô Bảo Châu từng là học sinh Trường Thực nghiệm Giảng Võ, sau đó học tại khối phổ thông chuyên toán trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Anh đã hai lần đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Australia năm 1988 và Cộng hoà Liên bang Đức (1989). Anh cũng là  người Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic toán quốc tế. Ngô Bảo Châu là cựu sinh viênTrường Đại học Sư phạm cấp cao (École normale supérieure), Pháp. 

GS. Ngô Bảo Châu - niềm tự hào của người dân Việt Nam. (Ảnh: Bùi Tuấn)
Năm 2004, anh được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với  GS Gérard Laumon vì đã có chứng minh được Bổ Đề Cơ Bản cho các nhóm Unita. Cũng trong năm đó, anh được phong Giáo sư tại ĐH Tổng hợp Paris 11.
Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở  thành vị Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Năm 2006, anh được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha). Anh là người Việt Nam thứ ba có vinh dự này. Trước anh là hai GS người Việt Nam ở nước ngoài, đó là GS. F. Phạm và GS. Dương Hồng Phong.
Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Tháng 6 vừa qua, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie), dày 169 trang, đã được chính thức công bố trên tạp chí Publications Mathématiques de L’IHÉS, do NXB Springer phát hành.
Với các công trình khoa học của mình,  hôm nay ngày 19/8, GS  Ngô Bảo Châu đã được Đại hội Toán học thế giới ICM2010 trao giải Fields tại Ấn Độ.
Giải thưởng Fields được như Giải thưởng Nobel trong Toán học, bởi vì theo di chúc từ năm 1901 của người sáng lập Thụy Điển A. Nobel, Giải thưởng Nobel không dành cho Toán học. Thế nhưng Giải thưởng Fields lại chỉ được trao cho những thiên tài toán học phát lộ sớm, vì điều kiện tiên quyết của nó là chỉ trao cho những người không quá 40 tuổi vào năm trao giải.
Cứ bốn năm một lần, Giải thưởng Fields được trao tại các kì Đại hội Toán học thế giới và mỗi lần có không quá  4 người được nhận. Như vậy, tính bình quân, mỗi năm có tối đa một người được nhận Giải thưởng Fields.
Trong 70 năm qua, 1936 - 2006, cả thế giới có tất cả 48 nhà toán học được trao Giải thưởng Fields. Mới chỉ có 11 nước vinh dự có  công dân của mình đạt Giải thưởng Fields. Đó là: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Phần Lan, Italia, Thụy Điển, Đức, New Zealand và Úc, trong đó chỉ có 3 người có quốc tịch châu Á, đều là người Nhật và có hai người gốc Hong Kong - Trung Quốc là  Shing-Tung Yau (quốc tịch Mỹ ) và Terence Tao (quốc tịch Úc) đã được trao Giải thưởng Fields.